Năng lực cạnh tranh ngành Xây dựng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đã đến lúc ngành Xây dựng Việt Nam phải vươn ra thị trường quốc tế, nếu không trong tương lai các doanh nghiệp của Xây dựng Việt Nam mất ngay cả thị trường nội địa, do công nghệ lạc hậu, tụt hậu về quản lý cũng như chảy máu lượng nhân công có tay nghề. Dưới đây sẽ là những biện phát nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Xây dựng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Năng lực cạnh tranh ngành Xây dựng
Năng lực cạnh tranh ngành Xây dựng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế

Đối với Bộ Xây dựng, cần tiếp xúc và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển theo hướng hội nhập quốc tế.

Xây dựng cơ chế chính sách khắc phục những yếu kém, tồn tại, ưu tiên chính sách và nguồn lực cho các vấn đề, các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như nhân lực ngành Xây dựng, công nghệ hiện đại, tạo điều kiện cho dòng vốn đáp ứng sự phát triển trong ngành. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị.

Thách thức lớn của Việt Nam là phải tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, quy mô quá nhỏ thì khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó. Cho nên cần phải có các giải pháp tích cực về mặt chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam lớn lên về quy mô, quản trị, công nghệ để thích ứng được với giai đoạn mới của nền kinh tế Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng và các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng, tao lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Rút ngắn thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan trong đầu tư xây dựng để phù hợp với các nước trong khu vực (hiện tại thời gian tương đối dài gấp 2-3 khu vực). Quy định rõ trách nhiệm thanh toán cảu các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể, quy định rõ ràng, cụ thể thanh toán của hợp đồng xây dựng.

Cần có các chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu của ngành

Mỗi doanh nghiệp ngành Xây dựng phải chọn cho mình một mũi nhọn để phát triển, không nên phát triển rộng, có thể phát triển công trình cao tầng, có những doanh nghiệp nên tập trung vào hạ tầng, có những doanh nghiệp tập trung vào công nghiệp. Ngay công trình cao tầng cũng có thể đi vào công trình cao tầng nhà ở, khách sạn, văn phòng….

Có nghiên cứu phát triển sâu để có sản phẩm tinh thì khi đó các doanh nghiệp có được sản phẩm có thế mạnh, khác biệt cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với các ngành sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng cần phát huy các ngành thuộc lợi thế của Việt Nam có những tính khác biệt so với thế giới như các sản phẩm từ gỗ cho trang trí nội thất, ngành sản xuất xi măng, gạch sét nung…

Chuỗi giá trị toàn cầu cung cấp cho đất nước, cho ngành Xây dựng xác định lại vị trí của mình bằng công thêm các dịch vụ khác và chuyển dịch đường cong nụ cười tới các hoạt động mang lại giá trị gia tăng. Cụ thể các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng không chỉ tham gia nhận thầu và triển khai, không chỉ nhập dây chuyền về sản xuất mà cần phải chuyển nhượng sang nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu, thiết kế, đẩy mạnh dịch vụ hậu mãi, bán hành, marketing.

khuyến khích phát triển ngành Xây dựng
Cần có các chính sách khuyến khích phát triển ngành Xây dựng

Chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển

Cần có chính sách phát triển thị trường vốn trong nước: Vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước; nguồn vốn từ khu vực tư nhân…

Chính sách huy động vốn nước ngoài: Chủ động xây dựng các dự án có tính khả thi cao về mặt kinh tế, xã hội, tạo nguồn vốn đối ứng để thu hút các nguồn vốn viện trợ như ODA, NGO…vào xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm gánh nặng cho nguồn vốn ngân sách Nhà  nước. Tăng cường thu hút FDI bằng việc tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, đảm bảo các quyền cơ bản của nhà đầu tư, có chiến lược bảo hộ và các ưu tiên dành cho các nhà đầu tư và người nước ngoài.

Chính sách thu hút đầu tư theo hợp tác công tư: Tạo điều kiện để các nhà đầu tư ngoài việc vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu riêng lẻ, thông qua các kênh khác để đa dạng nguồn vốn huy động, cần phải có cơ cế khơi thông được vốn tín dụng quốc tế để có được lãi suất vay hợp lý và dài hạn.

Chính sách huy động nguồn tài chính từ đất đai cần được chú trọng như: Đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn trái phiếu công trình bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất: Nguồn lực tài chính tài trợ là giá trị đất sau khi đã tăng giá nhờ tác động của dự án, chứ không phải là giá trị đất thấp khi chưa có cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, nhà nước cần đưa ra nguồn thu: thu phí tác động: Khi nhà đầu tư tại một khu đô thị làm ách tắc thêm cho cơ sở hạ tầng trong khu và Nhà nước phải đầu tư thêm để tăng công suất của cơ sở hạ tầng đó thì nhà đầu tư được yêu cầu phải đóng phí bằng một phần đáng kể chi phí đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng. Phí cải thiện cũng là một hình thức huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ việc khai thác đúng và đủ giá trị tăng lên của đất đai nhờ cơ sở hạ tầng.

Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

Để cạnh tranh với khu vực và trên thế giới, ngoài sự đón nhận đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành Xây dựng về các thủ tục cho phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước.

Phát triển ngành xây dựng theo hướng công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường

Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong thi công xây lắp, tư vấn xây dựng, quy hoạch xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường sử dụng năng lượng tiết kiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển nguồn lực ngành xây dựng đủ năng lực làm việc trong môi trường cạnh tranh khu vực quốc tế

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, người lao động ngành Xây dựng, mở rộng các hình thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Cần phải trang bị những kiến thức, kỹ năng và những ứng xử như sau: Trình độ chuyên môn và văn hóa làm việc; Pháp luật, quy định, thông lệ quốc tế; Kết nối mạng thông tin; Hợp tác và phong cách làm việc trong tổ chức; Tư duy thích ứng, trí tuệ cảm xúc; Mức độ khả năng chống chịu – phục hồi; Các ngoại ngữ phổ biến quốc tế…

Nhân lực ngành Xây dựng
Nhân lực ngành Xây dựng ở Việt Nam trong tương lai

Khi Việt Nam tiến tới hội nhập quốc tế, ngành Xây dựng cũng phải thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh; từ nguồn nhân lực cho đến chất lượng công trình. Nhìn nhận điều này một cách nghiêm túc thì nhân lực ngành Xây dựng ở Việt Nam trong tương lai sẽ có cơ hội vô cùng rộng mở không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.