Xây dựng & bất động sản
Thế nào là “Chiến dịch đại dương xanh” cho các doanh nghiệp Xây dựng Việt Nam?
Theo W. Chan Kim và Renée Maborgne: “Đừng cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại. Hãy tạo ra một thị trường không có cạnh tranh.” – Được gọi nôm na là Chiến lược Đại dương xanh.
“Đại dương xanh được xác lập bởi những khoảng thị trường chưa được khai thác bởi những cơ hội mới được tạo ra và cơ hội cho sự tăng trưởng mang lợi nhuận cao. Một số đại dương xanh được tạo ra bên ngoài ranh giới ngành, nhưng hầu hết được tạo ra từ bên trong những đại dương đỏ bằng cách mở rộng ranh giới hiện tại của ngành… Trong đại dương xanh, sự cạnh tranh là không cần thiết bởi vì luật chơi còn chưa được thiết lập.”
Thay vì “đổ máu” để cạnh tranh với đối thủ, doanh nghiệp Xây dựng cần đi tìm cho mình một “đại dương xanh” – nơi hiện diện một thị trường mới rộng mở, đi kèm với sự tiện lợi và giảm thiểu chi phí bỏ ra. Điều này là thách thức nhưng là cách dễ dàng thực hiện nhất trong thời đại nhà nhà người người là doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực xây dựng đặc thù, làm cách nào có thể xây dựng chiến lược bơi ra “biển lớn” một cách dễ dàng?
Vạch lại ranh giới thị trường
Các doanh nghiệp Xây dựng thường thu về các mối kinh doanh qua cách thức truyền thống là sử dụng mối quan hệ cá nhân. Doanh nghiệp mới nhảy vào thị trường chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi mối quan hệ “bằng hữu lâu năm” đã được thiết lập của các chủ dự án.
Nếu như doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn cũ chắc chắn không thể cạnh tranh nổi trên “đại dương đỏ” chật chội. Vậy làm cách nào để phát triển kinh doanh, không bị lọt thỏm giữa ma trận tường thành vững chắc. Hãy vạch lại ranh giới thị trường sản phẩm của bạn, đánh giá đối thủ và tìm hướng tiếp cận đối tượng khách hàng khác biệt.
Trong kỷ nguyên 4.0, ứng dụng công nghệ vào kết nối và tăng hiệu quả tiếp cận thị trường khách hàng mới là một xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, họ dễ dàng có được thông tin khách hàng chính xác, kịp thời mà không cần sử dụng đến các nguồn lực của nhân sự.
Thấu hiểu và đánh trúng tâm lý chủ đầu tư
Khi nguồn thông tin hằng ngày không ngừng được sản xuất, ai nhanh chân cập nhật nắm bắt thông tin sớm hơn sẽ là người dẫn đầu. Nắm được thông tin thị trường nhanh chóng và cập nhật tình hình liên tục là cách doanh nghiệp hiểu được thị trường, phân tích và dự báo diễn biến trong tương lai.
Khi có cái nhìn toàn cảnh, doanh nghiệp dễ dàng nhận định và hiểu được những nhu cầu của khách hàng đang tìm kiếm ở lĩnh vực đang kinh doanh và từ đó thay đổi mình, thích nghi để “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường cũng như tìm điểm giao thoa giữa sở trường và nhu cầu thị trường để tìm ra giá trị cốt lõi và tập trung vào nó.
Thiết lập trật tự ưu tiên về chiến lược
Giao tiếp thương hiệu xảy ra mỗi khi khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng tương tác với thương hiệu của bạn. Các điểm tiếp xúc thương hiệu như logo, biểu tượng, truyền thông, quảng cáo, nhân viên,… sẽ kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ thu hút được khách hàng mới và giữ chân những khách hàng trung thành, góp phần vào việc định vị thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Để nâng cao hiệu quả thì mỗi doanh nghiệp phải đảm bảo tính thống nhất hình ảnh trên tất cả các kênh truyền thông của mình và mục tiêu truyền thông thương hiệu rõ ràng. Để có được một chiến lược truyền thông – Marketing đúng và trúng thì doanh nghiệp cần đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp Xây dựng cần đưa ra đó chính là chiến lược đó phải cung cấp đúng thông điệp vào đúng thời điểm cho đúng người. Có rất nhiều doanh nghiệp Xây dựng đã gặp sai lầm khi xác định tập đối tượng nhận tin truyền thông của mình. Do đó, dù có mạnh tay chi cho hoạt động truyền thông nhưng cũng không mang lại hiệu quả cao gây ra lãng phí về cả thời gian, tiền bạc và nguồn lực.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chú ý là thương hiệu phải phát triển những cách đáng tin cậy để tiếp cận khách hàng của họ và nhận được thông điệp của họ.
Thứ ba, đó chính là xây dựng thông điệp thương hiệu nhất quán với truyền thông xã hội. Doanh nghiệp Xây dựng cần thường xuyên kiểm soát các kênh truyền thông để tránh trường hợp thông điệp không đi theo đúng chiến lược đề ra.
Thứ tư và cũng quan trọng không kém là luôn tập trung vào ‘thông điệp mục tiêu cốt lõi’ của bạn trong tất cả các chiến lược hay thông điệp truyền thông của doanh nghiệp.
Trước sự chuyển mình của ngành, doanh nghiệp không thể nằm ngoài làn sóng thích nghi mới. Doanh nghiệp Xây dựng nào phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt nắm bắt thời cơ đổi mới, dám đi con đường khác biệt để nổi bật chắc chắn sẽ hưởng trái ngọt.