Xây dựng & bất động sản
Nhiệm vụ kế hoạch của ngành Xây dựng năm 2020
Ngày 27/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng. Ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các đại biểu khách mời đại diện Văn phòng Chính phủ; Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Tổng công ty thuộc Bộ; lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – kiến trúc các địa phương trên toàn quốc.
Theo như Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, ngành Xây dựng đã hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, luôn nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt 9% – 9,2%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2% (tăng 0,8% so với năm 2018); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 88% (tăng 2% so với 2018); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86 – 86,5%, tương đương năm 2018.
Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 20% (giảm 1,5% so với 2018); tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 50 triệu m2 sàn; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn, đạt kế hoạch và tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng gạch xây đạt 26 tỷ viên (quy tiêu chuẩn) đạt kế hoạch và tương đương so với cùng kỳ năm 2018.
Để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch, ngành Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các thể chế theo hướng tạo lập môi trường pháp lý hoàn chỉnh thống nhất, phục vụ tốt nhất thực tiễn; tập trung rà soát cắt giảm thực chất và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ nút thắt hoạt động đầu tư xây dựng theo tinh thần của Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Bộ Xây dựng đã triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020; thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử và hiện đại hóa hành chính theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ. Trong năm, Bộ phận một cửa giải quyết Thủ tục hành chính của Bộ tiếp nhận 20.970 lượt hồ sơ, đã giải quyết 20.715 hồ sơ, đang giải quyết 255 hồ sơ (không có hồ sơ giải quyết quá hạn).
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2019, sang năm 2020, Bộ Xây dựng đã đề ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu sau: Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (theo giá hiện hành) tăng khoảng 9-10% so với năm 2019; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86,5 – 87%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 18%.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,0m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 95%, nhà thiếu kiên cố và đơn sơ khoảng 5%; sản lượng sản phẩm xi măng khoảng 103 triệu tấn.
Tại Hội nghị, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các hội, hiệp hội chuyên ngành trung ương, các Sở Xây dựng địa phương đã trình bày các tham luận và góp ý vào Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng, đồng thời đề xuất lãnh đạo Bộ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm 2020 mà ngành Xây dựng đã đề ra.
Khái quát một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng địa phương tập trung triển khai, trong đó có nội dung thực hiện kế hoạch của Chính phủ và Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, trong quý I/2020, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, phân loại, đánh giá toàn bộ quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện sai quy định, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đến năm 2021, các địa phương phải hoàn thành phê duyệt đồng bộ và phủ kín 100% các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt.