Kiến trúc đẹp
Bạn biết gì về lịch sử Xây dựng thế giới?
Lịch sử phát triển của ngành xây dựng trên thế giới là một quá trình lao động lâu dài và kiên nhẫn của nhân loại. Hàng ngàn năm qua con người đã lao động từ chỗ theo bản năng, theo kinh nghiệm đến nghiên cứu và phát minh để hoàn thiện các công cụ lao động, vật liệu xây dựng, kết cấu công trình và các phương pháp thi công xây dựng.
Trải qua thời gian, với sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, phần lớn các công trình đó đã bị hư hỏng, đổ nát, chỉ còn một số công trình cực kỳ bền chắc mới tồn tại được đến ngày nay. Trong số đó, phải kể đến hai công trình vĩ đại, hai kỳ quan thế giới đó là Kim Tự Tháp Ai Cập và Vạn lý Trường Thành ở Trung Quốc.
Khoảng 4000 năm trước công nguyên, cách thủ đô Ai Cập 35 km, giữa sa mạc mênh mông cát trắng, bên bờ sông Nin, người Ai Cập đã xây dựng nên một quần thể các kim tự tháp, làm nơi chôn cất các vua hay còn gọi là Pharaông.
Phần lớn các Kim Tự Tháp đã bị thời gian tàn phá, chỉ còn lại một số, trong đó lớn nhất là kim tự tháp Kêrốp cao 146m, đáy là một hình vuông có cạnh là 232m, thể tích là 2,5 triệu m3 được xây dựng bằng 2,6 triệu tảng đá, mỗi tảng đá trung bình 2,5 tấn được vận chuyển từ xa đến.
Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Bức thành trải dài 6,352 km, từ Sơn Hải Quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ (“đất Trung Quốc gốc”) và Mãn Châu, tới Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Vạn lý Trường Thành là một công trình vĩ đại, không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Trung Hoa mà còn là niềm kiêu hãnh của nhân loại về sự bền chắc của đất đá và quy mô hoành tráng của nó.
Ở Campuchia cũng có đền thờ Ăngco được xây dựng toàn bằng đá, tuổi thọ hàng ngàn năm, mà bí quyết xây dựng cho đến nay vẫn còn bí mật. Một kỹ sư xây dựng người Pháp đã bỏ ra nhiều năm để tìm ra cách thi công các đền thờ này đã phải thất vọng kêu lên “phải có sự giúp đỡ của thần linh, người ta mới có thể xây dựng được như vậy”.
Đầu thế kỷ XIX, khi Giêm Oát (James Watt) người phát minh ra máy hơi nước, và cũng là người đầu tiên đưa ra những lý thuyết tính toán về kết cấu khung. Khung nhà đầu tiên do Giêm Oát thiết kế và xây dựng năm 1801 ở Manchester, miền tây nước Anh, đánh dấu một thời kỳ xây dựng hiện đại.
Lịch sử kỹ thuật xây dựng được đánh dấu bằng việc Poóclăng làm ra xi măng vào năm 1824, loại vật liệu xây dựng đặc biệt do con người tạo ra có khả năng thay đổi cả một ngành xây dựng. Vào năm 1867, khi Monie, một người trồng hoa ở Pháp đã làm những chiếc chậu hoa bằng xi măng có lõi là những sợi thép. Bê tông cốt thép chính là một cuộc cách mạng vĩ đại trong lĩnh vực xây dựng.
Năm 1885, ở Chicago, nước Mỹ đã xây dựng tòa nhà cao 10 tầng. Năm 1913 tại New York đã xây dựng tòa nhà kiểu tháp “Woolworth” 60 tầng, cao 241m. Cuộc chạy đua về xây dựng nhà cao tầng được phát triển và đẩy mạnh ở hầu hết các nước.
Cùng với công nghệ xây dựng bê tông cốt thép toàn khối, một công nghệ nữa ra đời, đó là công nghệ lắp ghép bằng các cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn và các kết cấu thép tiền chế. Công nghệ này cho phép xây dựng công trình đạt tốc độ rất nhanh và mở ra một hướng mới là công nghiệp hóa tiến tới tự động hóa việc lắp ghép.
Ngày nay công nghệ xây dựng vẫn không ngừng thay đổi, luôn luôn phát minh ra những công nghệ mới, vật liệu mới,để thỏa mãn nhu cầu xây dựng của con người.