Cơ hội nghề nghiệp
Nhu cầu nhân lực ngành Kỹ sư cầu đường
Đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ trong thiết kế giao thông ngày càng được chú trọng. Theo đó, nhu cầu nhân lực ngành Kỹ sư cầu đường cũng được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Kỹ sư cầu đường làm gì?
Công việc của các kỹ sư Cầu đường có thể chia hai loại: Tư vấn thiết kế công trình và Giám sát thi công. Mỗi công việc có những đặc thù riêng.
– Kỹ sư tư vấn thiết kế thường: Khảo sát địa hình, địa chất, lập dự án nghiên cứu tính khả thi của công trình, tính toán, lập bản vẽ chi tiết… trước khi thi công một cây cầu hay một tuyến đường nào đó. Họ thường làm việc ở văn phòng, ít phải đi xa và luân chuyển theo công trình.
Trung bình, mỗi năm chỉ phải đi xa từ 1 – 2 tháng. Trừ khi đảm nhận những dự án lớn thì phải đi lâu hơn, thậm chí phải thường trực ở công trình để chỉnh sửa thiết kế khi cần.
– Kỹ sư giám sát công trình: Đây là công việc chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình. Theo dõi tiến độ công trình; Nghiệm thu xác nhận khi công trình đảm bảo đúng thiết kế, theo quy chuẩn chất lượng; Yêu cầu nhà thầu đảm bảo những phần việc theo đúng hợp đồng. Kỹ sư giám sát có thể đề xuất những bất hợp lý trong quá trình tiến hành với chủ đầu tư để kịp thời sửa đổi…
Điều kiện để trở thành Kỹ sư xây dựng cầu đường
Kỹ sư thiết kế là công việc thích hợp với những ai cần cù, chịu khó, có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi trí sáng tạo, tưởng tượng và một kiến thức tổng quan về xã hội thật vững.
Bạn phải nắm chắc chuyên môn, am hiểu về thi công, thiết kế, biết cách quản lý dự án và tính toán trên các hạng mục, đồng thời cũng phải có kiến thức về Luật pháp. Giao tiếp tốt và năng lực thuyết trình cũng là yêu cầu không thể thiếu nếu bạn muốn thuyết phục nhà đầu tư tin vào bản vẽ và dự án thiết kế mà mình dày công sáng tạo.
Xem thêm: Ngành Xây dựng, Kiến trúc: Cung cấp nhân lực giỏi, xây nên công trình chất lượng
Dĩ nhiên, không phải đợi đến lúc hội đủ các “tố chất” như trên mới đi làm được kỹ sư tư vấn thiết kế. Sinh viên mới ra trường đừng ngại học hỏi, theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn làm tốt phần việc của kỹ sư tư vấn thiết kế, khi mới ra trường, tốt nhất là nên đi làm giám sát công trình từ 1 – 2 năm để có kinh nghiệm thực tế.
Kỹ sư giám sát thi công là người phải thường xuyên di chuyển theo các công trình. Vậy nên, chỉ những ai có sức khỏe tốt, có khả năng chịu đựng áp lực công việc cao lại hoạt bát và nhanh nhẹn mới thích hợp với công việc này.
Giao tiếp tốt cũng là một lợi thế nếu muốn thăng tiến bởi nhận quản lý công trình, đội ngũ kỹ sư giám sát “toàn quyền” với phần việc của mình, thậm chí có thể “thiên biến vạn hóa” trong một chừng mực nào đó. Cơ hội tăng thêm thu nhập cũng nhờ đó mà nhiều hơn. Và chất lượng công trình cũng phụ thuộc một phần vào đạo đức của người giám sát.
Cơ hội nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, chỉ cần là nguồn nhân lực ngành Xây dựng chất lượng cao sinh viên có thể làm kỹ sư thiết kế, thẩm tra, thành viên đoàn khảo sát, tham gia chỉ đạo thi công, lập biện pháp thi công các công trình, dự án xây dựng cầu đường quy mô vừa và nhỏ… tại các công ty xây lắp, ban quản lý các công trình xây dựng cầu đường, các cơ quan quản lý nhà nước như các phòng ban Xây dựng.
Thâm chí, tại Sở Giao thông, Sở Kế hoạch Đầu tư, cơ quan hoạt động tài chính, kinh doanh bất động sản, các đơn vị cung ứng vật liệu, máy xây dựng…
Là ngành nghề tạo nên sự thay đổi không chỉ cho một thành phố, một quốc gia mà nó có thể thay đổi cả thế giới – Kỹ sư cầu đường thực sự là ngành học đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đời sống cho người nói chung. Chính vì lẽ đó, ngành Kỹ sư cầu đường đã và đang trở thành mục tiêu hướng đến của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn nam muốn “thỏa chí tang bồng”, muốn đi cho biết đó biết đây.
Pingback: Tất tần tật về ngành Kỹ sư cầu đường | Ngành xây dựng