Kiến thức kỹ năng
Bạn biết gì về một Kỹ sư Xây dựng?
Nếu kiến trúc sư là những người sáng tạo ra các bản vẽ thì Kỹ sư Xây dựng là người sẽ hiện thực hóa bản vẽ thành các tòa nhà, căn hộ, khu công nghiệp… góp phần tạo dựng diện mạo đô thị của đất nước. Không chỉ vậy, họ còn là người quản lý, hoạch định các dự toán và điều hành tiến độ thi công các dự án theo đúng kế hoạch.
Dưới bàn tay tài hoa, cần mẫn và khối óc tinh tế, những công trình hiện đại, tiện nghi và sang trọng dần dần hình thành. Đó là cả một quá trình lao động vất vả và gian lao để biến những ý tưởng, những ước mơ của bao người thành hiện thực. Họ mang trong mình sứ mệnh dựng xây nước nhà và đem niềm vui chung đến với toàn xã hội. Bạn đã biết những gì về một Kỹ sư Xây dựng?
Kỹ sư xây dựng làm những công việc gì?
Có thể điểm qua một số công việc của Kỹ sư Xây dựng có thể đảm nhiệm sau đây:
- Hoạch định kế hoạch bằng cách phân tích các báo cáo điều tra, bản đồ và thông tin yêu cầu từ chủ đầu tư.
- Đọc, hiểu, bóc tách khối lượng bản vẽ.
- Xem xét quy tắc xây dựng, xác định mức độ rủi ro trong môi trường và các tác nhân khác.
- Kiểm tra đất để xác định độ vững chắc khi dựng nền móng.
- Kiểm tra chất liệu bê tông, sắt thép khi đưa vào sử dụng.
- Hiểu biết về thủ tục, hồ sơ xây dựng như: hồ sơ dự thầu, dự toán công trình, các loại hợp đồng, và các thông tư nghị định hướng dẫn có liên quan.
- Đề xuất dự toán chính xác để phân chia nhân lực, sử dụng vốn, trang bị vật liệu xây dựng.
- Quản lý, giám sát và chỉ đạo thi công đúng tiến độ.
Làm sao để trở thành Kỹ sư xây dựng?
“Làm sao để trở thành Kỹ sư Xây dưng?” có lẽ là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với những bạn đã đang và sẽ theo học ngành Xây dựng. Để trở thành những Kỹ sư xây dựng, điều đầu tiên bạn phải tốt nghiệp các ngành về xây dựng tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành này. Một số ngành học có thể kể đến như: ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp hay ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình xây dựng.
Thời gian học ngành Xây dựng giao động từ 4 – 5 năm. Và trong quãng thời gian đó, bạn phải nắm vững kiến thức chuyên môn qua các môn học như: Toán học, Vật lý cơ học, kết cấu, nền móng công trình, sức bền vật liệu, vật liệu xây dựng, kỹ thuật điện công trình, kỹ thuật thi công, Hình họa – Vẽ kỹ thuật, cơ học đất, trắc địa … Ngoài ra, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố thiết yếu giúp bạn phải đến gần hơn với nghề Kỹ sư xây dựng. Bạn phải thành thạo phần mềm bóc tách dự toán,thiết kế đồ họa, và đọc hiểu, giao tiếp lưu loát bằng tiếng anh.
Các bạn cần trang bị cho mình đầy đủ hành trang và khởi nghiệp bằng cách thực tập lấy kinh nghiệm ở các công ty xây dựng. Điều này tích lũy cho bạn nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm dày dặn hơn để phát triển trong sự nghiệp.