Cơ hội nghề nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm dành cho kỹ sư xây dựng
Các tân kỹ sư xây dựng vừa bước ra từ cánh cổng trường đại học vẫn còn quá mông lung về định hướng, quá non nớt, thiếu kinh nghiệm trong quá trình xin việc, vẫn còn thắc mắc ngành xây dựng có dễ xin việc hay không? Bài viết sau đây là lời chia sẻ của một chàng trai kỹ sư xây dựng ra trường lâu năm, va vấp nhiều thử thách trong công việc để truyền đạt bài học kinh nghiệm dành cho những bạn mới bước chân vào nghề.
Hỏi: Anh ơi học xây dựng ra để làm gì ?
Trả lời: Trước hết bạn nên xem xét coi mình phù hợp với công việc này hay không, nếu không phù hợp thì nên chuyển hướng càng sớm càng tốt. Làm xây dựng nhất quyết phải hợp và đam mê mới gắn bó và lâu dài được với cái nghề này. Trở lại câu hỏi: Học Xây dựng tất nhiên là để làm xây dựng rồi, cơ bản là để xây nhà xây cửa, đường xá cống rãnh…à cũng có thể học để làm nghiên cứu, viết đề tài làm giáo sư, tiến sĩ, chủ yếu là “Áp dụng công nghệ ABC..XYZ vào thực tế điều kiện tại Việt Nam”
Hỏi: Em học Cầu đường nhưng ra trường lại đi làm dân dụng vậy có được không ?
Trả lời: Chuyên ngành nào thì cũng là kỹ sư kết cấu cả thôi. Nói chung biết càng nhiều càng tốt, bạn sẽ chủ động hơn trong công việc và có thêm nhiều lựa chọn hơn (Nếu may mắn bạn còn có thể ăn được nhiều mức lương hơn). Tóm lại anh em xây dựng thì cứ đâu không nợ lương là xông pha. Nhưng, nhớ là nhưng, có la cà cũng gần gần thôi. Tôi có biết vài trường hợp các bạn sinh viên Cầu đường ra trường đầu quân cho Samsung làm nhà xưởng, hoặc đi làm chống thấm, nội thất. Vài ba năm cảm thấy không phát triển được muốn quay lại ngành nghề cũ thì đã muộn, kinh nghiệm đi làm trước không nhiều giá trị trên hồ sơ.
Hỏi : Em là sinh viên mới ra trường hướng đi nào bền vững cho em ?
Trả lời: Kiên trì tìm kiếm 1 công ty hay đội thi công nào có thể giúp bạn học hỏi được thêm trong công việc và hoàn thiện bản thân.
Đừng nặng nề chuyện lương bổng hãy xác định 2-3 năm đầu tiên học nghề là chính.Khi bạn đã có sự nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành hay nói cách khác là bạn là người ” tự tin làm được việc” thì bạn có quyền định giá và ra mức lương. Đừng vội hay đốt cháy giai đoạn (Nếu bạn giỏi rồi thì bỏ qua bước này).
Hỏi: Các công ty luôn đòi hỏi kinh nghiệm nhưng em mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm ?
Trả lời : Thứ nhất: Đừng tìm các công ty lớn hãy tìm các công ty tư nhân nhỏ để làm ở đó bạn dễ được chấp nhận (điều kiện công ty làm đúng chuyên ngành). Nếu khó quá hãy chấp nhận đi xa ít năm và tìm các dự án ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa (như kiểu xây đảo nổi ở Trường Sa chẳng hạn) ở đó ng ta cần lao động tay nghề rất nhiều.
Thứ hai: Với kinh nghiệm làm việc với tương đối nhà tuyển dụng tôi rút ra được “Kinh nghiệm” chỉ là điều kiện Cần không phải điều kiện Đủ. Tôi đã từng dự phỏng vấn mà một cậu sinh viên không kinh nghiệm đánh bài 2 ứng viên khác 3,4 năm kinh nghiệm chỉ nhờ cậu ấy đá bóng giỏi.
Thứ ba: Nhờ vả…không có gì phải ngại. Trước khi ra trường hãy ngắm sẵn trong hang ngoài hốc, họ hàng gần xa, cô dì chú bác, hàng xóm láng giềng..ai làm về xây dựng thì bắt mối làm quen hết đi. Dân xây dựng hợp nhau thì một bữa bia là xong.
Hỏi: Thế em nên đặt mục tiêu thế nào ?
Trả lời: Tôi không biết! Mỗi người có một lựa chọn sống khác nhau.
Kinh nghiệm bản thân : Nên đặt mục tiêu cụ thể và phù hợp với khả năng. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, hãy dẹp chuyện lương lậu ra một bên, tất nhiên tôi không khuyến khích các bạn làm không lương. Nhưng cứ tìm :Đúng chuyên ngành, lương cao, ở gần, công việc nhàn thì chắc bạn chỉ có nước về làm cho bố bạn. Hãy đặt mục tiêu thực tế hơn.
Hỏi: Điều gì là cần nhất cho công việc ?
Trả lời: Hãy là người làm được việc và chuyên nghiệp. Đầu tiên hãy vững vàng về chuyên môn, nếu có thêm các kỹ năng (tiếng anh , tin học , giao tiếp, kỹ năng mềm…) thì càng tốt vì nó sẽ giúp cho bạn bay cao hơn.
Đôi lời dành cho anh em kỹ sư trẻ:
Hãy đi theo những người có kinh nghiệm và giỏi hơn mình mà học tập. Đồng thời cố gắng chú trọng xây dựng các mối quan hệ trong công việc cũng như trong cuộc sống, bởi bạn không thể biết người bên cạnh bạn là ai đâu!
(Sưu tầm)