Kiến thức kỹ năng
Lời khuyên thiết thực dành cho sinh viên Xây dựng
Bước vào môi trường đại học, sinh viên Xây dựng sẽ được trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác. Cuộc sống đó mở ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên phấn đấu, rèn luyện, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Bên cạnh những mặt tốt thì môi trường đó cũng tồn tại nhiều cám dỗ do sự tác động bên ngoài xã hội, quan trọng là bạn có sáng suốt để lựa chọn cách sống, cách học tập như thế nào cho phù hợp. Hãy cùng tham khảo những lời khuyên sau đây để có thể an tâm và có những định hướng tốt cho bản thân mình nhé.
Một giờ thực tế của các sinh viên ngành xây dựng
-
Xác định mục tiêu học tập
Đối với bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, các bạn cần xác định rõ mục tiêu khi bước chân vào cánh cổng đại học. Tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Ra trường mình sẽ làm gì?”, “4 năm đại học mình sẽ đạt được những gì?”, “Mình cần có những kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng?”… Trả lời những câu hỏi chất vấn bản thân và đề ra chiến lược về những điều cần phải thực hiện để trang bị hành trang kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất cho bản thân.
-
Học tốt các môn chuyên ngành
Quan trọng nhất trong quá trình học là nắm chắc kiến thức chuyên môn. Sinh viên xây dựng cần phải biết bóc tách bản vẽ, thiết kế công trình, lập hồ sư dự thầu, đề ra các dự toán một cách chính xác… Nhiều sinh viên lơ là trong quá trình học, nên kiến thức chuyên môn chưa vững khiến cho quá trình làm việc sau khi ra trường còn yếu. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến bạn bị sa thải hoặc không đủ yêu cầu để tuyển dụng. Do đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn nên tích lũy và nắm vững kiến thức, chắc tay nghề.
-
Rèn luyện kỹ năng
Ngoài kiến thức chuyên ngành, các bạn có thêm một số kỹ năng thiết yếu sau đây:
-
- Kỹ năng tin học: thành thạo tin học văn phòng, thiết kế đồ họa, phần mềm tính kết cấu, dự toán.
-
- Kỹ năng giao tiếp: thể hiện thái độ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng. Có cách cư xử phù hợp đối với khách hàng, sếp và đồng nghiệp.
- Kỹ năng thuyết trình, đàm phán…
-
Tham gia hoạt động ngoại khóa
Tại các trường đại học, cao đẳng thường tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa để sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và gắn kết tình bạn giữa các bạn trong lớp nói riêng và giữa các khoa trong trường nói chung. Cụ thể là các hoạt động như: Buổi nói chuyện với các diễn giả, Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện… Không chỉ vậy, nếu có các hoạt động ngoại khóa liên quan đến nghề nghiệp mong muốn hướng tới sẽ giúp sinh viên tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Việc tham gia hoạt động ngoại khóa góp phần phát triển kỹ năng xã hội, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm bổ ích.
-
Thử sức với công việc làm thêm
Va vấp ngoài xã hội là cách tốt nhất để giúp bạn trưởng thành và tự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân mình. Thử sức xin một công việc có thể phù hợp hoặc không phù hợp với ngành xây dựng, nhưng ít ra, từ công việc đó bạn mới thấu hiểu giá trị của đồng tiền, am hiểu bài toán về cách ứng xử, giao tiếp với những kiểu người khác nhau, hiểu về nghệ thuật sống. Từ đó, rút ra những bài học quý giá và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để bước vào môi trường làm việc áp lực, nghiêm khắc và đòi hỏi sự cẩn trọng.
-
Học tốt ngoại ngữ
Ngoại ngữ là phương tiện giúp bạn đến nhanh hơn với thành công trong sự nghiệp. Giỏi ngoại ngữ sẽ giúp bạn tiếp cận và nâng cao kiến thức chuyên ngành một cách dễ dàng, thông qua các tư liệu nước ngoài. Ngoài ra, để phát triển con đường sự nghiệp, bạn cần trải qua các tình huống yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ như: phiên dịch, cuộc họp khách quốc tế, các buổi thương lượng, đàm phán với đối tác nước ngoài… Cuối cùng, lợi ích lớn nhất khi thành thạo ngoại ngữ sẽ nâng cao mức thu nhập của bạn trong công việc. Hãy học giỏi Tiếng Anh và nếu có điều kiện thì học thêm một thứ tiếng nữa như: Pháp, Nhật, Hàn… Điều đó sẽ rất hữu ích cho bạn trong tương lai.
-
Đến lớp học thường xuyên
Trong phần lớn các bạn sinh viên, thường xuất hiện tình trạng “cúp” học, vắng tiết rất nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập, bỏ lỡ nhiều bài giảng, cùng hàng trăm kiến thức trong mỗi giờ học. Do đó, lời khuyên chân thành cho các bạn sinh viên là nên đi học đúng giờ, đều đặn và thường xuyên đến lớp nghe giảng. Đừng biến 4 năm đại học trở thành con số 0 hoặc phải miệt mài để trả nợ môn, trễ tốt nghiệp.